Nvidia tuyên bố sẽ sản xuất siêu máy tính AI chứa hàng trăm nghìn bộ xử lý đồ họa ngay tại Mỹ trong những năm tới.
Ngày 15/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo trên mạng xã hội rằng Nvidia sẽ sản xuất siêu máy tính AI tại Mỹ. Hãng đặt mục tiêu đẩy mạnh hoạt động trong nước do tình hình kinh doanh với Trung Quốc chịu ảnh hưởng mạnh từ lệnh hạn chế xuất khẩu của chính quyền Trump. DGX Spark, siêu máy tính AI cá nhân của Nvidia trông giống một PC mini. Ảnh: Nvidia Siêu máy tính là gì? Siêu máy tính chỉ những hệ thống được thiết kế để thực hiện các phép tính và mô phỏng với tốc độ, quy mô vượt xa khả năng của máy tính thông thường. Chúng chuyên đảm nhận những nhiệm vụ đòi hỏi xử lý nhiều con số cùng lúc, ví dụ như dự báo thời tiết hoặc mô hình hóa quá trình diễn ra bên trong một nguyên tử. Siêu máy tính sử dụng một lượng lớn bộ xử lý trung tâm (CPU). Chúng tương tự loại chip chạy chương trình trong máy tính cá nhân hoặc smartphone, nhưng bên trong có thể có hàng chục nghìn bộ xử lý cùng hoạt động song song, được kết nối bằng mạng tốc độ cao. Ra đời từ những năm 1960, siêu máy tính được sử dụng nhiều trong các phòng thí nghiệm của chính phủ và trường đại học ở các nước như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản. Siêu máy tính AI khác gì? Nvidia đang hướng đến chế tạo máy tính lớn chứa hàng trăm nghìn bộ xử lý đồ họa (GPU). Khác với đa số siêu máy tính, hệ thống mới tập trung vào đào tạo mô hình AI, hỗ trợ các chatbot như ChatGPT. GPU đặc biệt hữu ích cho nhiệm vụ này. Khách hàng chính của Nvidia là những công ty cung cấp dịch vụ AI như Apple và Microsoft, khác với các tổ chức nghiên cứu của chính phủ hay trường đại học. So với máy tính AI thông thường, siêu máy tính AI khác biệt về cấp độ thay vì loại hình. Những máy tính hiệu suất cao trang bị GPU thường được gọi là máy chủ AI. Chúng được gom lại với nhau trong những trung tâm máy tính lớn gọi là trung tâm dữ liệu. Nvidia không nêu rõ điều kiện để máy chủ AI trở thành siêu máy tính AI. Tuy nhiên, theo WSJ, hãng muốn nhấn mạnh hiệu suất cao của những cỗ máy mới sử dụng lượng lớn chip Blackwell do hãng sản xuất. Bo mạch chủ của DGX Station tích hợp chip Blackwell Ultra. Ảnh: Nvidia Siêu máy tính AI của Nvidia được sản xuất ở đâu? Nvidia dành một khu vực phức hợp rộng hơn 93.000 m2 để sản xuất, thử nghiệm chip Blackwell ở Arizona và chế tạo máy chủ AI ở Texas. Hãng đang làm việc với Foxconn để xây một nhà máy ở Houston và với Wistron về một nhà máy ở Dallas. “Độ nhạy cảm về giá” giữa smartphone và máy chủ không giống nhau. Với điện thoại, tăng giá 100 USD có thể khiến người dùng cân nhắc, do đó việc sản xuất iPhone tại Mỹ được đánh giá thiếu thực tế. Trong khi đó, các công ty lớn mua máy chủ lại sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho phần cứng “gần nhà” dù chi phí cao hơn. Ngoài ra, quá trình sản xuất iPhone có thể cần đến hàng trăm nghìn người lắp ráp thủ công, nên chi phí nhân công rất lớn. Trong khi đó, lắp ráp máy chủ AI được tự động hóa cao và yếu tố then chốt là kỹ thuật, thiết kế, phần mềm, vốn là lợi thế của Mỹ. Việc Nvidia chọn Texas thay vì Thung lũng Silicon có thể do Texas gần Mexico – trung tâm sản xuất máy chủ AI hiện nay. Trong số các máy chủ Mỹ nhập khẩu, bao gồm cả máy chủ AI và không phải AI, 70% đến từ Mexico, theo báo cáo của Cơ quan Kinh tế Đài Loan. Adriana Cruz, Giám đốc phát triển kinh tế tại văn phòng thống đốc bang Texas, đánh giá Texas rộng lớn sẽ cung cấp nguồn năng lượng dồi dào và môi trường thân thiện với doanh nghiệp. Hồi tháng 1, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng công bố dự án Stargate với mục tiêu chi 500 tỷ USD trong bốn năm để phát triển AI. Giai đoạn đầu, các trung tâm dữ liệu dự kiến đặt tại Abilene, Texas. Apple cũng có kế hoạch xây dựng một nhà máy mới tại bang này. Cruz nhận định Texas “sẽ là trung tâm cơ sở hạ tầng AI”. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng trước khi các công ty có hành động và đạt kết quả cụ thể, những tuyên bố “trăm tỷ USD” này cần được xem xét thận trọng. Thu Thảo (Theo Wall Street Journal)