‘Đừng hỏi AI có thể làm gì, hãy hỏi nó đang làm gì chúng ta’

Minh họa về AI. Ảnh: SciTechDaily

Các chuyên gia lo ngại sự xuất hiện của ChatGPT, Gemini đang khiến con người phụ thuộc thông tin và não bộ sẽ dần kém thông minh, sáng tạo.

Minh họa về AI. Ảnh: SciTechDaily

“Mối lo ngại lớn nhất trong thời đại AI không phải liệu nó có thể làm tổn hại đến khả năng sáng tạo hay trí thông minh của con người, vì nó đã làm vậy rồi”, Robert Sternberg, nhà tâm lý học tại Đại học Cornell (Mỹ) và tác giả nhiều nghiên cứu đột phá về trí thông minh con người, nói với Guardian.

Cách đây 50 năm, mỗi người có thể mất hàng giờ để soạn một bài viết, còn AI chỉ cần vài phút. Các công cụ như ChatGPT, Gemini, Grok cho phép tạo văn bản trong một phút, thời gian còn lại là người dùng chỉnh sửa câu lệnh sao cho vừa ý.

Guardian dẫn lời chuyên gia rằng con người “đừng hỏi AI có thể làm những gì, mà nó đang làm gì chúng ta”, khi một số nghiên cứu cho thấy trí tuệ con người ngày càng sa sút vì trí tuệ nhân tạo.


Minh họa về AI. Ảnh: SciTechDaily

Minh họa về AI. Ảnh: SciTechDaily

Tiến sĩ Michael Gerlich của trường SBS Swiss Business (Thụy Sĩ) thực hiện một nghiên cứu tại Anh với 666 người và phát hiện mối tương quan giữa việc sử dụng AI thường xuyên và kỹ năng tư duy phản biện. Theo báo cáo khoa học đăng trên Research Gate hồi tháng 1, người trẻ phụ thuộc nhiều vào công cụ AI thường có điểm tư duy phản biện thấp hơn so với người lớn tuổi và người đồng trang lứa không sử dụng AI.

“Thật tuyệt khi có mọi thứ trong tầm tay”, một người tham gia cho biết. “Nhưng đôi khi, tôi lo mình không thể ghi nhớ được điều gì. Tôi phụ thuộc quá nhiều vào AI đến nỗi tôi nghĩ mình không biết cách giải quyết một số vấn đề nhất định nếu không có nó”.

Tương tự, hồi đầu năm, Microsoft và Đại học Carnegie Mellon (Mỹ) khảo sát 319 người sử dụng AI tạo sinh ít nhất một lần một tuần. Kết quả, dù hiệu quả được cải thiện, những người này vẫn có cảm giác ức chế về tư duy phản biện và bị phụ thuộc vào công nghệ. Nhóm nghiên cứu cho rằng điều này có thể dẫn đến tình trạng giải quyết vấn đề giảm sút nếu không có sự hỗ trợ của AI.

Theo tổng hợp của Frontiers in Psychology, một số khảo sát khác chỉ ra sử dụng AI cho nhiệm vụ liên quan đến trí nhớ có thể dẫn đến nhận thức cá nhân suy giảm, mất khả năng ghi nhớ, ảnh hưởng sự tập trung và các tác động về sức khỏe tâm thần.

Sự xói mòn tư duy phản biện còn trầm trọng hơn do thuật toán AI có thể quyết định cả những gì mỗi người thấy trên Internet. “Tác động của Internet, đặc biệt các phương tiện truyền thông xã hội, lên tư duy phản biện rất lớn”, Gerlich nói. “Để đề xuất một video cho bạn, thuật toán chỉ mất 4 giây. Kết quả là gì? Một loạt thông điệp ngắn gọn dễ tiếp thu nhưng không khuyến khích tư duy phản biện. Nó cung cấp thông tin mà bạn không cần phải xử lý gì thêm nữa”.

Wendy Johnson, nhà nghiên cứu trí thông minh tại Đại học Edinburgh (Anh), cho biết bà đang thấy điều này ở sinh viên mỗi ngày. Thay vì cố gắng tư duy, một số sinh viên “để Internet bảo họ phải làm gì và tin vào điều gì”.

Khi không có tư duy phản biện, con người khó nhận biết thông tin AI cung cấp đúng hay sai, tin cậy hay bịa đặt. Nghiên cứu năm 2023 trên Science Advances cho thấy mô hình GPT-3 của OpenAI “tạo ra thông tin sai lệch dễ hiểu và hấp dẫn”, tức hiện tượng ảo giác – thuật ngữ chỉ một hệ thống thuật toán cung cấp thông tin nghe có vẻ hợp lý nhưng thực chất không chính xác hoặc gây hiểu lầm.

Tuy nhiên, tiến sĩ Elizabeth Dworak, tại Trường Y khoa Feinberg thuộc Đại học Northwestern ở Chicago (Mỹ), cho rằng trí thông minh của con người phức tạp hơn nhiều và được hình thành bởi nhiều biến số. “Mọi người muốn chỉ trích AI là kẻ xấu, nhưng không thực sự công bằng. Chúng ta không thể chỉ nhìn vào một thứ để đổ lỗi”, Dworak nói.

Đây không phải lần đầu những công nghệ mới xuất hiện gây ra mối lo ngại đến trí tuệ của con người. Trước đây, nhiều người cũng lo điện thoại di động, mạng xã hội làm mất tập trung, hay GPS khiến khả năng định hướng của con người kém đi. Còn hiện tại, AI giúp giải quyết nhiệm vụ đòi hỏi khả năng nhận thức cao, từ việc xử lý tờ khai thuế đến cung cấp liệu pháp.

Lập luận con người kém thông minh hơn do công nghệ được rút ra từ một số nghiên cứu. Nghiên cứu nổi tiếng nhất là Hiệu ứng Flynn, do James Flynn, nhà triết học và tâm lý học ở Đại học Otago (New Zealand) thực hiện, cho thấy chỉ số IQ tăng qua các thế hệ tính từ năm 1930. Tuy nhiên, IQ trung bình của một đứa trẻ 14 tuổi giảm hơn hai điểm từ năm 1980 đến 2008 – giai đoạn đầu bùng nổ công nghệ.

Trước đó, theo CNN, “cha đẻ” Internet Vinton Cerf và hơn 200 chuyên gia cũng lo ngại AI khiến con người mất đi kỹ các năng cốt lõi, như sự đồng cảm hay tư duy sâu. Trong số đó, 50% cho rằng AI sẽ tạo ra thay đổi cho nhân loại theo hướng tốt hơn, nửa còn lại nghĩ theo hướng xấu đi trong việc tác động đến trí tuệ xã hội và cảm xúc, sự đồng cảm, khả năng phán đoán đạo đức và sức khỏe tinh thần.

“AI sẽ tồn tại lâu dài. Chúng ta phải học cách tương tác và thích nghi với nó đúng cách. Nếu không, chúng ta không chỉ khiến bản thân trở nên thừa thãi, mà cả khả năng nhận thức của chúng ta cũng vậy”, tiến sĩ Gerlich của SBS Swiss Business nói thêm.

Bảo Lâm tổng hợp





Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *