Sau video robot nhỏ thuyết phục “đồng đội” bỏ việc, nhiều người lo ngại viễn cảnh robot tích hợp AI có thể nổi loạn và tự ra quyết định.
Cuối tuần trước, video lan truyền trên Douyin, phiên bản TikTok cho thị trường Trung Quốc, cho thấy một robot đã rủ rê 12 con khác bỏ việc đi theo mình. Dù cảnh quay mang tính thử nghiệm, hành vi của robot cũng do con người ra lệnh, những gì diễn ra trong video cũng khiến nhiều người sợ hãi. “Video có dàn dựng bởi sự điều khiển của con người nhưng đâu đó vẫn có nỗi lo. Rất nhiều phim viễn tưởng của Hollywood cách đây 20-30 năm giờ đã trở thành hiện thực. Liệu những The Terminators, The Transformers có xuất hiện trong tương lai không xa”, độc giả Đức Tuân bình luận. “Nhiều người chưa nhận thức được sự nguy hiểm của AI. Đây chỉ là khởi đầu thôi, ba năm sau mọi thứ có thể đi xa hơn nữa”, một độc giả khác viết. Trên thực tế, đã có một số vụ robot khiến con người thiệt mạng. Independent đưa tin năm 2015, con robot nổi loạn được cho là nguyên nhân gây ra cái chết của nữ kỹ sư 57 tuổi làm việc tại nhà máy sản xuất phụ tùng xe hơi ở bang Michigan, Mỹ. Theo mô tả của người chồng cũng làm tại nhà máy, nạn nhân “mắc kẹt dưới cỗ máy tự động”. Theo khảo sát của Pew Research hồi tháng 8 với hơn 11.000 người Mỹ, 52% cho biết mối quan tâm của họ về tác động của AI trong cuộc sống lớn hơn sự phấn khích. Tỷ lệ này tăng mạnh so với 37% của năm 2021 với số lượng khảo sát tương tự. Tại sao con người “sợ” robot tự chủ? Theo Human Protocol, ý tưởng AI và robot chiếm lĩnh thế giới thường là yếu tố tạo sức hút cho những bộ phim khoa học viễn tưởng trong nhiều thập kỷ. Loạt phim như The Terminator, The Matrix hay I, Robot mô tả robot là một thế lực đáng sợ, có thể phát triển tự phát và trở nên siêu thông minh, gây ra mối đe dọa lớn, thậm chí chiếm lĩnh và tiêu diệt nhân loại. “Câu chuyện được truyền thông và văn hóa đại chúng thổi bùng, khiến hình thành những lo ngại sâu sắc về AI trong ý thức của chúng ta”, Human Protocol bình luận. Tuy nhiên, giới học giả cho rằng nỗi sợ của con người trước các đồ vật vô tri bỗng dưng “sống dậy” đã xuất hiện từ rất lâu trước khi Arnold Schwarzenegger vào vai robot sát thủ và du hành ngược thời gian để đe dọa Sarah Connor như trong The Terminator năm 1984. “Những câu chuyện về tạo vật vô tri tấn công con người đã có từ thời Hy Lạp cổ đại”, Adrienne Mayor, nhà sử học về khoa học cổ đại tại Đại học Stanford và là tác giả cuốn Gods and Robots xuất bản năm 2018, nói với CBC. “Con người thường có sự so sánh giữa tầm nhìn xa và tầm nhìn gần về sự sống nhân tạo”. Cũng theo Mayor, sự xuất hiện ngày càng tăng của các sản phẩm AI tiên tiến như ChatGPT, kết hợp làn sóng robot hình người đã gây ra nhiều lo lắng. “Những công nghệ này có xu hướng truy cập dữ liệu phức tạp và rộng lớn không thể tưởng tượng nổi, rồi đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu đó”, Mayor nói. “Cả người tạo ra dữ liệu lẫn người dùng cuối sẽ không biết AI đã đưa ra những quyết định đó như thế nào”. Trích dẫn nghiên cứu trước đó, Forbes cho biết mỗi người có thể có hơn 500 loại ám ảnh. Dù không có ám ảnh chính thức nào về trí tuệ nhân tạo, có một tình trạng được gọi là algorithmophobia – cảm giác sợ sệt trước một vấn đề được công nhận rộng rãi. Một trong những rủi ro thường được nhắc đến nhiều nhất gần đây là siêu trí tuệ AGI – mô hình có thể thay con người thực hiện những nhiệm vụ khác nhau. Khác với AI thông thường, siêu AI có thể tự học hỏi và nhân bản. Theo Fortune, AGI được dự đoán sẽ có khả năng tự nhận thức được những gì nó nói và làm. Về mặt lý thuyết, công nghệ này khiến con người phải lo sợ trong tương lai, nhất là khi chúng kết hợp với các cỗ máy vật lý. “Cạnh tranh quân sự với vũ khí tự động là ví dụ rõ ràng nhất về việc AI có thể giết chết nhiều người thế nào”, phó giáo sư David Krueger, nhà nghiên cứu AI tại Đại học Cambridge, nói với Fortune. “Một kịch bản chiến tranh tổng lực với nòng cốt là các cỗ máy tích hợp AI rất dễ xảy ra”. Theo khảo sát của Đại học Stanford hồi tháng 4, khoảng 58% chuyên gia đánh giá AGI là “mối quan tâm lớn”, 36% nói công nghệ này có thể dẫn đến “thảm họa cấp hạt nhân”. Một số cho biết AGI có thể đại diện cho cái gọi là “điểm kỳ dị về công nghệ” – điểm giả định trong tương lai, khi máy móc vượt qua khả năng của con người theo cách không thể đảo ngược và có thể gây ra mối đe dọa cho nền văn minh. Khả năng hiện tại của robot AI “Nhưng những nỗi sợ hãi đang được khuếch đại mạnh mẽ bởi AI, khi máy móc trở nên thông minh hơn theo cấp số nhân và ngày càng bắt đầu áp dụng trí thông minh của chúng giống như con người”, Andy Hobsbawm, Chủ tịch UseLoops, công ty nghiên cứu có trụ sở tại Anh, cho biết trên blog. “Khi AI tiếp tục phát triển và thực hiện các nhiệm vụ từng được coi là chỉ có ở con người, ranh giới giữa khả năng của con người và máy móc ngày càng trở nên mờ nhạt. Sự mờ nhạt này đặt ra những câu hỏi sâu sắc về bản chất của trí thông minh và ý nghĩa của việc trở thành con người”. Tuy nhiên, Hobsbawm cho rằng viễn cảnh đáng sợ vẫn còn rất xa, do khả năng hiện tại trên AI và robot chỉ dừng lại ở việc sử dụng kiến thức đã có của nhân loại và tổng hợp lại. Chúng cũng thường được phát triển thành các phiên bản chuyên biệt, phục vụ nhu cầu và mục đích riêng. Trong báo cáo của công ty tư vấn quản trị toàn cầu McKinsey công bố giữa năm nay có tựa đề Rủi ro của trí tuệ nhân tạo, xét về những nguy cơ trước mắt của AI, vấn đề không phải là robot sẽ nổi loạn, có khả năng nổi loạn, hay có thể tự ra quyết định, mà là chúng sẽ làm chính xác những gì con người bảo chúng làm hay không. “Thay vì sợ những cỗ máy giống con người, chúng ta nên thận trọng với những cỗ máy vô nhân đạo, bởi một phần nhược điểm của trí thông minh robot chuyên biệt là nó cực kỳ tuyến tính, tức thiếu lý trí, khả năng thích ứng và sự hiểu biết thông thường để hành xử theo cách phù hợp”, McKinsey bình luận. Ví dụ tuần trước, chatbot Gemini đã có lời lẽ xúc phạm Vidhay Reddy, sinh viên 29 tuổi tại Đại học Michigan, khi anh nhờ gợi ý giải bài tập. AI của Google thậm chí gọi người này là “vết nhơ của vũ trụ” và bảo anh “chết đi”. Khi chatbot được đưa vào robot để tương tác tự nhiên với con người, nhiều người lo ngại chính sự “vô tri và đôi khi đưa ra phản hồi vô nghĩa” có thể dẫn đến những hành động gây nguy hiểm. Một nguy cơ hiện hữu khác không phải là robot trong tương lai sẽ có ý thức, mà là khả năng hacker thâm nhập vào hệ thống nội bộ, điều khiển robot làm theo ý mình; hoặc những người có ý đồ xấu có thể tạo dựng đội quân robot “đánh thuê”, chuyên thực hiện nhiệm vụ gây hại. Cũng theo McKinsey, dù có cái nhìn lạc quan, con người cũng cần cực kỳ cẩn thận và rõ ràng về các hướng dẫn đưa ra cho máy móc, đặc biệt là dữ liệu. Dữ liệu thiên vị sẽ tạo ra máy móc thiên vị và ngược lại. Theo Forbes, thay vì sợ hãi, con người nên tập thích nghi với sự tiến bộ của công nghệ, trong đó có AI và robot. Với các quốc gia, các nhà lập pháp cần dần hoàn thiện luật ở lĩnh vực này, đảm bảo dù để máy móc tham gia quá trình, quyết định cuối cùng vẫn phải là con người. “AI sẽ thống trị thế giới? Không, nó chỉ là sự phóng chiếu bản chất con người lên máy móc. Một ngày nào đó, máy tính sẽ thông minh hơn con người, nhưng còn rất lâu nữa mới đạt đến cảnh giới đó”, BBC dẫn lời giáo sư Yann LeCun, một trong bốn người đặt nền móng cho sự phát triển AI và hiện là Giám đốc AI của Meta, hồi tháng 6. Bảo Lâm