Trong những email cũ vừa được tiết lộ, Sam Altman đã “thăm dò tình hình” và thuyết phục Elon Musk chi tiền để thành lập và phát triển OpenAI.
Ngày 16/11, đội ngũ luật sư của Elon Musk bổ sung tài liệu mới cho việc tái khởi kiện nhằm vào Sam Altman và OpenAI hồi đầu tháng 8 lên tòa án San Francisco. Trong đó, nội dung chủ yếu phác thảo quá trình hình thành công ty AI hiện được định giá 157 tỷ USD, gồm những email ban đầu mà Altman gửi cho ông khi đề xuất ý tưởng thành lập vào năm 2015. Theo đó, đầu tháng 3/2015, Musk soạn một bức thư ngỏ gửi tới chính phủ Mỹ, nhấn mạnh nhu cầu quản lý việc tạo ra AI một cách an toàn. Altman cảm nhận được “cơ hội” sau khi đọc thư, nên gửi email cho Musk. “Tôi đã suy nghĩ nhiều về việc liệu có thể ngăn chặn loài người phát triển AI hay không. Tôi nghĩ câu trả lời chắc chắn là không”, Altman viết. “Nếu điều đó vẫn xảy ra, có vẻ nên để ai đó khác ngoài Google thực hiện trước”. Altman băn khoăn Y Combinator, quỹ đầu tư mà ông từng giữ chức chủ tịch, có nên bắt đầu thực hiện một “Dự án Manhattan trong lĩnh vực AI” hay không. Ông sau đó nghĩ đến việc chiêu mộ khoảng 50 người giỏi nhất cho dự án mới, hoạt động dưới hình thức “thuộc về thế giới thông qua một số loại hình phi lợi nhuận nhưng những người làm việc trong dự án này sẽ nhận được một khoản tiền giống như khởi nghiệp nếu dự án thành công. “Có lẽ điều đó đáng để chúng ta nói chuyện”, Musk phản hồi. Một tháng sau, Altman gửi email mới, đề xuất chi tiết về một phòng thí nghiệm AI gồm 5 lưu ý. Đầu tiên, nhiệm vụ của tổ chức là tạo ra AI chung đầu tiên và sử dụng nó để trao quyền cho cá nhân, một phiên bản “phân tán của tương lai an toàn nhất”, an toàn phải là yêu cầu hàng đầu. Altman cũng nói đội ngũ ban đầu lý tưởng nhất là khoảng 7-10 người và mở rộng dần dần, đồng thời làm việc ở nhà ông tại Mountain View. Ông cũng đề xuất 5 người trong cơ cấu hội đồng quản trị, gồm Elon Musk, Bill Gates, Pierre Omidyar, Dustin Moskovitz và Altman. “Công nghệ sẽ do Quỹ sở hữu và được sử dụng vì lợi ích của thế giới. Nếu có vấn đề không rõ ràng, 5 người chúng ta sẽ biểu quyết. Các nhà nghiên cứu nhận tài chính đáng kể nhưng sẽ không tương quan với những gì họ xây dựng. Cách làm này sẽ loại bỏ một số xung đột. Chúng ta sẽ thường xuyên thảo luận việc mô hình nào nên được mã nguồn mở và mô hình nào không nên. Một lúc nào đó, chúng ta sẽ tìm được một người điều hành nhóm, nhưng người này không nên tham gia ban quản trị”, Altman viết trong thư. Altman cho rằng để dự án phát triển thuận lợi, Musk nên đến gặp trực tiếp nói chuyện với những người giỏi nhất mỗi tháng một lần. Ông cũng vẽ ra kế hoạch và chỉ cần tỷ phú Mỹ đứng tên. “Chờ đến mọi thứ diễn ra, tôi sẽ công bố kèm một thông điệp, chẳng hạn ‘bây giờ chúng ta thực hiện việc này, tôi đã suy nghĩ rất nhiều về những hạn chế mà thế giới cần để đảm bảo an toàn’ và cuối cùng, tôi rất vui khi để anh là người ký tên”, Altman viết. “Đồng ý tất cả”, Musk trả lời. Sau email đó, OpenAI ra đời. Nhóm luật sư của Musk nhấn mạnh Altman đã “cố gắng thuyết phục CEO Tesla đưa nguồn tài chính và mối quan hệ của mình vào cuộc”. Bên cạnh đó, phía tỷ phú Mỹ cũng bổ sung Microsoft vào danh sách bị đơn và cáo buộc OpenAI đã “sáp nhập trên thực tế” vào công ty phần mềm và tham gia vào các hoạt động chống cạnh tranh trong lĩnh vực AI. Các bên chưa đưa ra bình luận. Năm 2018, Musk rời hội đồng quản trị OpenAI sau khi tuyên bố “AI có thể nguy hiểm hơn vũ khí hạt nhân”. Sau đó, ông nhiều lần chỉ trích công ty do mình đồng sáng lập vì chạy theo lợi nhuận, không còn hoạt động đúng như mục đích vì nhân loại ban đầu. Ông khởi kiện OpenAI hồi tháng 2, sau đó rút lại trước khi tái kiện lần nữa vào tháng 8. Theo Business Insider, Microsoft là nhà đầu tư lớn nhất vào OpenAI với số tiền được cho là 13 tỷ USD. Trong những năm qua, hãng từng bước củng cố vị thế của mình tại công ty đứng sau ChatGPT. Bảo Lâm